Giỏ hàng

Huawei giới thiệu Kirin 9000: SoC 5nm với modem 5G tích hợp

Cover_Kirin.jpg

   Huawei vừa mới giới thiệu sản phẩm chip bán dẫn mới nhất của họ, SoC Kirin 9000 trang bị trong thế hệ smartphone Mate 40 sắp ra mắt chính thức, hứa hẹn hiệu năng cao hơn và tính năng kết nối mạnh hơn so với thế hệ SoC Kirin trước. Điểm nổi bật của Kirin 9000 có lẽ chính là tiến trình chip bán dẫn được dùng để sản xuất con chip, 5nm giống hệt như chip A14 của Apple trong iPhone 12, hay Exynos 1080 của Samsung, cũng như chip xử lý smartphone Snapdragon thế hệ mới. sắp ra mắt của Qualcomm.

   Bên trong Kirin 9000 là modem 5G tích hợp, giúp nó trở thành SoC 5nm đầu tiên có modem tích hợp, thay vì phải hàn một chip modem độc lập lên bo mạch thiết bị như iPhone 12 phải làm với modem X55 của Qualcomm. Modem 5G bên trong Kirin 9000 có tên là Balong 5000, hỗ trợ tốc độ tải xuống tối đa 6.5 Gbps thông qua mạng viễn thông 5G.

   Huawei cũng không nể nang đối thủ, khi nói thẳng tốc độ upload của Balong 5000 nhanh hơn 5 lần, và tải xuống nhanh gấp đôi so với X55 của Qualcomm.

CPU và GPU
   Modem 5G tích hợp có lẽ là tiêu điểm chính khi nói về Huawei Kirin 9000. Còn về CPU và GPU, năm ngoái Kirin 990 đã khiến nhiều người có phần ngạc nhiên khi vẫn sử dụng CPU ARM Cortex-A76, thay vì A77. Khi ấy, tiến sĩ Benjamin Wang của Huawei cho rằng CPU Cortex-A77 của ARM thiết kế phù hợp với tiến trình 5nm hơn so với tiến trình 7nm, còn giám đốc mảng sản phẩm tiêu dùng Richard Yu thì nhấn mạnh thời lượng pin và hiệu năng xử lý là hai lý do chủ yếu khiến Huawei chọn Cortex-A76 cho Kirin 990.



Tinhte_Kirin .jpg

 

   Còn bây giờ với Kirin 9000, Huawei không còn lý do gì để không nâng cấp lên CPU Cortex-A77, nhưng hiện tại thì ARM đã có thiết kế Cortex-A78, chứng tỏ một điều khá rõ ràng rằng Huawei đang hơi tụt lại phía sau trong cuộc đua chip bán dẫn cho điện thoại. Dù vậy, hiệu năng xử lý đồ họa chênh lệch giữa A77 và A78 không đủ lớn để chúng ta gạt Kirin 9000 ra khỏi danh sách so sánh sau này.

   Đối với GPU, Huawei sử dụng thiết kế Mali-G78 mới nhất của ARM, với hai phiên bản 24 và 22 nhân trong chip Kirin 9000 và 9000E. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho rằng khả năng xử lý đồ họa của Kirin 9000 mạnh hơn 52% so với GPU bên trong Snapdragon 865 Plus.

   Về mặt hiệu năng, Huawei nói rằng Kirin 9000 mạnh hơn Snapdragon 865 Plus khoảng 10%. Thực hư ra sao phải đến khi có máy trong tay tự benchmark mới đưa ra kết luận được. Cùng lúc, Huawei cho biết so với SoC mạnh nhất của Qualcomm hiện tại, Kirin 9000 có sức mạnh xử lý AI cao hơn 2,4 lần. Cuối cùng mà không kém phần quan trọng là chip xử lý hình ảnh (ISP - Image Signal Processor), Kirin 9000 được trang bị ISP 4 nhân thế hệ thứ 6, tạo ra băng thông dữ liệu cao hơn 50% so với thế hệ trước, và khả năng khử nhiễu ảnh tốt hơn 48%.

   Sau một giai đoạn gần như đứng im về mặt hiệu năng giữa hai thế hệ SoC Kirin 980 và 990, Kirin 9000 sẽ đem lại cú hích cần thiết về mặt hiệu năng xử lý cho các thiết bị của Huawei, dù rằng việc không được sử dụng thiết kế Cortex-A78 có thể khiến những lợi thế của Kirin 9000 “ngắn chẳng tày gang”. Dù vậy, sức mạnh CPU chưa bao giờ là tất cả. SoC mới nhất của Huawei vẫn đem tới cho người dùng những lợi thế rõ ràng, như modem 5G tích hợp, ISP thế hệ mới, hay những công nghệ machine learning khiến người dùng lựa chọn thiết bị của Huawei.

   Vấn đề duy nhất của Huawei hiện giờ là, trong trường hợp chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có những chuyển biến tích cực cho phía Trung Quốc, thì đây có thể là mẫu SoC cuối cùng Huawei tự phát triển. Tình hình sẽ như thế nào chỉ có tương lai mới biết được rõ ràng nhất. Còn giờ chúng ta chỉ có mỗi một việc có thể làm, đó là chờ đợi Mate 40 với Kirin 9000E, và Mate 40 Pro cùng Mate 40 Pro Plus với Kirin 9000 xem hiệu năng của máy sẽ ngon đến đâu.

Theo Android Authority

Facebook Youtube Top