Giỏ hàng

ĐÁNH GIÁ REDMI NOTE 9 PRO: PHIÊN BẢN ĐÁNG MUA HƠN CỦA REDMI NOTE 9S

   Khắc phục một số điểm yếu còn tồn đọng của Redmi Note 9s, đồng thời nâng cấp phần cứng camera và tốc độ sạc pin, Redmi Note 9 Pro không cho người dùng nhiều lý do để lăn tăn trong phân khúc smartphone dưới 7 triệu đồng này.

   Dòng smartphone Redmi Note 9 của Xiaomi đang khiến người dùng hoang mang hơn bao giờ hết, với tổng cộng tới 4 model "na ná" nhau: Redmi Note 9, Redmi Note 9s, Redmi Note 9 Pro và Redmi Note 9 Pro Max. Tuy phiên bản Pro Max không được bán chính hãng tại Việt Nam, sự xuất hiện của Note 9 và Note 9 Pro trong cùng phân khúc với Note 9s có thể là con dao hai lưỡi.

 

  

   Redmi Note 9 Pro phân phối tại thị trường Việt Nam chỉ có tuỳ chọn 6GB RAM, với bộ nhớ trong 64GB và 128GB. So với Note 9s, chiếc smartphone này có thể coi là một bản nâng cấp nhẹ về phần cứng camera và tốc độ sạc pin – hai trong số những yếu tố quan trọng hàng đầu hiện nay. Nhưng, mức giá từ 6,49 triệu đồng của Redmi Note 9 Pro cao hơn Note 9s đáng kể - 1,5 triệu đồng nếu so sánh hai phiên bản thấp nhất, liệu những sự nâng cấp ấy có đáng để đánh đổi?

Thiết kế tương đồng Redmi Note 9s, duy nhất phiên bản màu xanh được "cách điệu"

   Vì lý do nào đó, trong số ba màu được bán ra tại thị trường Việt Nam gồm xám, xanh và trắng, duy nhất phiên bản màu xanh – cũng là phiên bản mà VnReview đánh giá trong bài viết này – được "cách điệu" một chút về thiết kế mặt lưng so với Redmi Note 9s.

 

   Thiết kế hai tông màu khiến chúng ta liên tưởng tới các dòng điện thoại Pixel của Google, tuy nhiên Xiaomi làm khác đi một chút với việc dùng nhiều đường vân nhỏ xiên chéo, hơi ngả màu xanh lá khi ánh sáng xiên chéo vào. Mặt lưng được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 5, một điểm cộng trong phân khúc khi đa số hãng sản xuất chọn chất liệu nhựa giả kính, không trơn tuột nhưng bám vân tay khá nhiều.

   Cụm camera sau của Redmi Note 9 Pro cũng được làm gọn hơn, không còn dải màu đen bao lấy đèn flash LED tạo hiệu ứng "ruộng bậc thang" nữa. Điểm nhấn của cụm camera không gì khác ngoài camera chính được nâng cấp lên độ phân giải 64MP, sử dụng cảm biến ISOCELL GW01 của Samsung thay vì 48MP cảm biến GM2 như Redmi Note 9s. Phần còn lại gồm camera góc rộng 8MP, camera macro 5MP và camera đo độ sâu trường ảnh 2MP, một setup phổ biến trong phân khúc nói chung và Xiaomi nói riêng.

   Cụm camera của Redmi Note 9 Pro lồi nhiều, kênh máy khi đặt trên nền phẳng, và dù có một viền kim loại nhô lên để tránh xước thì chúng tôi vẫn khuyến cáo nên sử dụng ốp lưng tặng kèm.

   Mặt trước, Redmi Note 9 Pro trang bị màn hình đục lỗ kích thước 6.67 inch, độ phân giải Full HD+, tấm nền IPS LCD. Điểm khác biệt giữa Redmi Note 9 Pro và Redmi Note 9 tiêu chuẩn là camera selfie được đặt ở chính giữa thay vì góc bên trái, trông hài hoà và cân đối hơn. Camera selfie có độ phân giải 32MP, khẩu độ f/2.3, nâng cấp đáng kể so với 16MP, khẩu độ f/2.5 của Redmi Note 9s. Bảo vệ màn hình cũng là tấm kính cường lực Gorilla Glass 5.

   Do dùng tấm nền IPS LCD, hiển nhiên Redmi Note 9 Pro sẽ không có cảm biến vân tay dưới màn hình. Với model này, Xiaomi vẫn giữ phương án sử dụng phím nguồn tích hợp cảm biến vân tay ở cạnh bên, trong khi Redmi Note 9 bản tiêu chuẩn lại đưa cảm biến vân tay ra mặt lưng ngay phía dưới cụm camera, một cách truyền thống hơn. Về tốc độ nhận diện cũng như độ chính xác, cảm biến trên Redmi Note 9 Pro không có điểm gì để chê trách cả.

   Thay vào đó, tôi có một chút than phiền về vị trí đặt cụm phím tăng giảm âm lượng: Chúng được đặt quá cao, cộng với kích thước màn hình lớn 6.67 inch khiến ngay cả một người có bàn tay lớn như tôi cũng gặp khó khăn khi sử dụng. Lẽ ra, Xiaomi nên đặt chúng ở cạnh đối diện, vốn đang rất "trống trải", và hạ xuống thấp một chút.

   

   Redmi Note 9 Pro hỗ trợ hai sim nano và khay thẻ nhớ riêng biệt. Như thường lệ, máy không có khả năng kháng nước, bụi đạt chuẩn IP.

   Máy vẫn có đầy đủ cổng kết nối, gồm jack tai nghe 3.5mm, USB-C và cổng hồng ngoại "đặc sản" trên đỉnh máy. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà các cổng kết nối cạnh dưới và dải loa của Redmi Note 9 Pro bị đặt lệch hẳn xuống dưới, ít nhiều làm giảm đi tính cân đối, thẩm mỹ. Thú vị ở chỗ, triết lý thiết kế của Xiaomi trên dòng Redmi Note được gọi là "Aura Balance", lấy sự cân bằng làm trọng tâm, nên đây quả thực là một điểm trừ không đáng có.

Phần cứng camera nâng cấp nhẹ, hoàn thiện hơn "cả trước và sau"

   Vì Redmi Note 9 Pro có nhiều điểm tương đồng với Redmi Note 9s, tôi muốn đưa sự khác biệt lên trên và đề cập đến chúng trước. Sự nâng cấp về phần cứng diễn ra ở cả camera trước và sau, dễ thấy nhất là độ phân giải: Camera chính tăng từ 48MP lên 64MP, trong khi camera selfie tăng từ 16MP lên 32MP. Khẩu độ cũng có sự thay đổi, và trong một số môi trường nhất định, chất lượng ảnh sẽ có sự khác biệt.

   Hưởng lợi nhiều nhất từ độ phân giải cao hơn chính là khi chúng ta chụp ảnh trong điều kiện đủ sáng. Redmi Note 9 Pro cho ảnh giàu chi tiết, tương phản thể hiện tốt, dải màu rộng, chế độ AI có đẩy màu nhưng trong phần lớn trường hợp vẫn tự nhiên. Với nhu cầu chụp "sống ảo", bạn chỉ cần chụp ở chế độ mặc định, cho ra ảnh 16MP chứ không cần đến 64MP, về cơ bản chất lượng của chúng tương đương nhau ngoại trừ ảnh 64MP cần thời gian lưu ảnh lâu hơn.

Ảnh chụp tự động (trên) và ảnh chụp Night Mode (dưới). Hãy để ý các biển quảng cáo ở trên tường, Redmi Note 9 Pro đã làm khá tốt trong việc "cứu" chi tiết tại các vùng này

   Tuy nhiên, khi thiếu sáng, mọi thứ không được cải thiện nhiều trên Redmi Note 9 Pro. Các vùng sáng vẫn thiếu đi sự kiểm soát, dẫn đến mất chi tiết ở xung quanh. Chế độ chụp đêm Night Mode, mặt khác, hoạt động hiệu quả, nhưng người dùng phải giữ thật chắc tay, hoặc tốt hơn hết là sử dụng tri-pod, không thiết thực nếu bạn muốn bắt lấy một khoảnh khắc nào đó.

   Độ phân giải 5MP, hỗ trợ lấy nét tự động với cự ly tối thiểu 2cm là những điểm sáng trên camera macro của Redmi Note 9 Pro. Giàu chi tiết, màu sắc hơi rực theo hướng nịnh mắt nhưng về tổng thể, ảnh macro của chiếc smartphone này tỏ ra vượt trội hơn những đối thủ trong tầm giá cùng trang bị camera macro chuyên dụng của Samsung hay Realme.

   Đảm nhận vai trò chụp góc rộng của Redmi Note 9 Pro vẫn là camera 8MP, khẩu độ f/2.2. Nhìn chung, bạn vẫn chỉ nên sử dụng camera này trong điều kiện đủ sáng để giữ được chi tiết. Điểm yếu cố hữu của camera góc rộng nói chung vẫn là dải tương phản thấp, và Redmi Note 9 Pro cũng không phải ngoại lệ.

   Camera selfie của Redmi Note 9 Pro được tăng gấp đôi độ phân giải từ 16MP lên 32MP, khẩu độ f/2.3 lớn hơn một chút hứa hẹn sẽ chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Thực tế, ảnh selfie đã được cải thiện về tông sáng, làm gương mặt chủ thể nổi bật hơn, không có cảm giác xỉn màu như Redmi Note 9s.

Ảnh chụp xóa phông bằng camera selfie

Ảnh xóa phông bằng camera chính

   Khi xoá phông, cả camera trước và sau trên Redmi Note 9 Pro đều có xu hướng làm mịn da dù không bật tính năng làm đẹp. Phông nền xoá mịn, tự nhiên, không có cảm giác lem nhem, và người dùng có thể chỉnh sửa mức độ xoá phông trước và sau khi chụp.

Sạc đầy viên pin 5020 mAh nhanh hơn hẳn!

   Vẫn trang bị viên pin 5020 mAh, thứ mà Redmi Note 9 Pro khiến người dùng Redmi Note 9s phải ghen tỵ chính là tốc độ sạc pin, khi Redmi Note 9 Pro hỗ trợ công suất sạc tối đa tới 30W thay vì 18W. Bên trong hộp, Xiaomi tặng kèm củ sạc công suất 33W, và để sạc đầy viên pin của Redmi Note 9 Pro từ 0% chỉ mất 1 giờ 20 phút.

Thời gian xem phim offline liên tục, tính từ lúc pin đầy xuống 10%, độ sáng 70%

Thời gian lướt web liên tục, tính từ lúc pin đầy xuống 10%, độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục, tính từ lúc pin đầy xuống 10%, độ sáng 70%

   Trong các bài test pin quen thuộc của VnReview, không ngạc nhiên khi Redmi Note 9 Pro có kết quả gần như giống hệt Redmi Note 9s, khi hai thiết bị này có màn hình kích thước tương tự nhau, dùng chung phần mềm và cùng trang bị con chip Snapdragon 720G.

Màn hình đã khắc phục lỗi hiển thị HDR

   Redmi Note 9 Pro trang bị màn hình 6.67 inch, tấm nền IPS LCD độ phân giải Full HD+. Kích thước, độ sáng, chất lượng hiển thị của màn hình này về cơ bản là giống hệt Redmi Note 9s mà tôi từng đánh giá, do đó tôi sẽ không cần phải nói thêm.

   Thay vào đó, điểm đáng chú ý nhất là chiếc Redmi Note 9 Pro đã khắc phục được lỗi hiển thị nội dung HDR mà tôi từng gặp phải trên chiếc Redmi Note 9s. Dải tương phản rộng thể hiện rất rõ, màu sắc cũng trở nên sống động và có hồn hơn, thay vì nhợt nhạt xám như khi bị lỗi.

   Đáng tiếc, Redmi Note 9 Pro vẫn chỉ có tần số quét 60Hz thay vì 90Hz. Theo Xiaomi, vẫn chưa có quá nhiều ứng dụng có thể khai thác tần số quét cao, người dùng sẽ không thể nhận ra sự khác biệt và nó không đáng để đánh đổi thời lượng pin. Với việc đã được trải nghiệm Realme 6 Pro, tôi nhận định quan điểm của Xiaomi là không hoàn toàn đúng: Sự khác biệt khi sử dụng là có, thời lượng pin đúng là bị giảm xuống nhưng không quá đáng kể, và dù sao thì Xiaomi cũng đã trang bị khả năng sạc nhanh hơn cho Redmi Note 9 Pro.

Hiệu năng ổn với Snapdragon 720G, MIUI "vẫn thế"

   "Linh hồn" của Redmi Note 9 Pro vẫn là con chip Qualcomm Snapdragon 720G tiến trình 8nm, phiên bản đánh giá của VnReview có 6GB RAM và 64GB bộ nhớ trong.

   Ban đầu, khi đánh giá chiếc Redmi Note 9s, tôi nghĩ rằng do con chip Snapdragon 720G còn quá mới nên chưa được các tựa game tối ưu về hiệu năng. Tuy nhiên, với Redmi Note 9 Pro, thiết lập đồ hoạ khi chơi các tựa game quen thuộc không hề có sự thay đổi, mặc dù fps trung bình và độ ổn định khung hình đều ở mức cao.

   Với ba tựa game PUBG Mobile, Dead Trigger 2 và Liên Quân Mobile quen thuộc, Redmi Note 9 Pro đều không thể bật được đầy đủ thiết lập đồ hoạ. PUBG Mobile bị khoá ở 30fps với độ phân giải HD, không chọn được HDR; Liên Quân Mobile bị ẩn hiệu ứng mây mù, không thể chọn thiết lập đồ hoạ cao nhất; Dead Trigger 2 chỉ chơi được ở đồ hoạ High 60fps thay vì Ultra.

Redmi Note 9 Pro đạt fps trung bình 30 ở độ phân giải HD, trong quá trình chơi FPS luôn ổn định, không có hiện tượng trồi sụt. Độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn

Fps trung bình của Redmi Note 9 Pro trong tựa game Liên Quân Mobile là 58,2, trồi sụt nhẹ khi vào giao tranh tổng nhưng không đáng kể

Không chọn được thiết lập Ultra, Redmi Note 9 Pro chơi tốt ở mức High với fps trung bình đạt 58,3

   Với 6GB RAM, hiện tượng ứng dụng nền phải tải lại đã giảm đi đáng kể so với Redmi Note 9s chỉ có 4GB RAM. Con chip Snapdragon 720G cho hiệu năng nhanh nhẹn, hoàn toàn đáp ứng đủ những tác vụ hàng ngày.

   Về phần mềm, Redmi Note 9 Pro được cài đặt sẵn Android 10, giao diện MIUI 11.0.1 ngay khi xuất xưởng. MIUI vẫn nổi tiếng về khả năng tuỳ biến mạnh mẽ, rất nhiều tuỳ chọn cài đặt để người dùng thay đổi theo ý thích, tuy nhiên nếu lần đầu chuyển sang dùng điện thoại Xiaomi có thể sẽ bị ngợp.

   Để duy trì giá bán cạnh tranh, Xiaomi cài đặt sẵn khá nhiều ứng dụng và thỉnh thoảng bạn sẽ thấy xuất hiện quảng cáo trong các ứng dụng hệ thống. Với tôi, đó không phải là vấn đề lớn, nhưng chắc chắn sẽ có người dùng có những suy nghĩ khác, suy cho cùng đó vẫn là điều chúng ta phải chấp nhận đánh đổi.

Tổng kết

   Dù vô tình hay cố ý, Xiaomi cũng đã tung ra một phiên bản hoàn thiện hơn của Redmi Note 9s. Đó là điều tốt với người tiêu dùng, nhưng có lẽ những ai đã mua chiếc Redmi Note 9s sẽ cảm thấy buồn một chút. Chiến lược ấy của Xiaomi đúng hay sai, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.

   Những sự nâng cấp về camera hay thời gian sạc pin không đến một cách miễn phí, nhưng về tổng thể, Redmi Note 9 Pro đã chứng minh được giá trị của mình. Một vài điểm trừ rất nhỏ như màn hình vẫn chỉ tần số quét 60Hz hay bloatware, quảng cáo trong hệ thống cũng không phủ nhận được việc Redmi Note 9 Pro vẫn là một trong những chiếc smartphone đáng mua nhất trong phân khúc dưới 7 triệu đồng.

Theo: vnreview.vn

Facebook Youtube Top
Contact Me on messenger