Chip xử lý A8: Sức mạnh phần cứng đằng sau iPhone 6
iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã được ra mắt với những hứa hẹn về hiệu năng "khủng", vậy điều gì đã làm nên sức mạnh của thế hệ iPhone mới ?
iPhone 6 và iPhone 6 Plus là hai siêu phẩm mới nhất vừa được Apple ra mắt vào sự kiễn diễn ra vào 10/9 vừa qua. Vẫn như thường lệ, cả hai phiên bản iPhone mới này đều được Apple trang bị bộ SoC A8 mới nhất dành riêng cho các thiết bị "quả táo". Đối với các thiết bị điện toán nói chung và các thiết bị Apple nói riêng, SoC chính là linh hồn của thiết bị, có thể khiến thiết bị đó thành công hoặc thất bại. Chính vì vậy, mặc dù Apple đã không công bố một số thông tin liên quan đến SoC A8 mới này nhưng chúng ta cũng sẽ cùng tiến hành "mổ xẻ" thông tin về bộ SoC này để cùng tìm hiểu xem điều gì đã làm nên sức mạnh kinh khủng của thế hệ iPhone 6 mới
CPU của Apple A8 và công nghệ sản xuất
Apple và Samsung có thể coi là một cặp nửa bạn nửa thù. Thù bởi hai ông trùm công nghệ này liên tục kiện tụng nhau vì việc vi phạm bản quyền sáng chế, luôn tỏ ra ghét nhau ra mặt. Tuy nhiên, bên cạnh sự thù địch đó thì hai công ty vẫn là "bạn làm ăn" với nhau bởi từ trước đến nay, Samsung vẫn là nhà sản xuất vi xử lý duy nhất cho các thiết bị của Apple. Tuy nhiên, câu chuyện đã thay đổi. Kể từ chip A8 thì Samsung đã bị Apple loại khỏi cuộc chơi. Thay vào đó, "quả táo cắn dở" đã bắt tay với một nhà sản xuất chip của Đài Loan có tên TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) để thực hiện quá trình sản xuất SoC A8.
Mặc dù Apple không hề công bố thông tin chính thức nào về xung nhịp của con chip A8 được trang bị trên iPhone 6, tuy nhiên các kết quả benchmark đã chỉ ra rằng nó được tích hợp vi xử lý lõi kép Cyclone thế hệ thứ hai với xung nhịp 1.4 GHz, nhanh hơn so với SoC A7 cũng sử dụng CPU lõi kép với xung nhịp thấp hơn một chút , 1.3 GHz. Ngoài ra, SoC A8 của Apple cũng được phát triển dựa trên nền kiến trúc ARMv8, tương tự như SoC A7 và đây chính là yếu tố giúp bộ SoC này có thể hỗ trợ nền tảng 64bit.
Trên lý thuyết, theo như các thông tin kỹ thuật của SoC A8 thì đây là "bộ não" đáng đồng tiền bát gạo so với phiên bản A7 tiền nhiệm. Chip xử lý A8 của Apple được phát triển trên chu trình 20nm cho phép các transitor được tích hợp có kích thước nhỏ hơn và mật độ dày hơn so với chip A7 được phát triển trên chu trình 28nm. TSMC cũng cho biết rằng chip A8 cho tốc độ xử lý nhanh hơn 30%, tiết kiệm năng lượng hơn 25% và có mật độ dày hơn 1.9 lần so với các SoC được sản xuất trên chu trình 28nm. Tuy vậy thì SoC A8 của iPhone 6 không phải là SoC đầu tiên được phát triển trên chu trình 20nm bởi trước đó, Samsung cũng đã trang bị cho chiếc Samsung Galaxy Alpha bộ SoC Exynos 5430 cũng được sản xuất trên chu trình này.
Ngoài các thông tin từ phía TSMC thì Apple cũng thông báo rằng thế hệ SoC A8 này cho hiệu quả hoạt động tốt hơn 50% so với thế hệ SoC A7. Mặc dù sở hữu kích thước nhỏ hơn, SoC A8 có đến gần 2 tỉ transitor so với con số chỉ bằng một nửa so với A7. Apple ngoài ra cũng cho biết rằng SoC A8 thì hiệu năng của iPhone 6 sẽ nhanh hơn 50 lần so với iPhone thế hệ đầu tiên, một sự so sánh có vẻ hơi "kệch cỡm".
Apple A8 và GPU của PowerVR
Trong sự kiện ra mắt iPhone 6 và 6 Plus vừa rồi thì phần lớn thời gian Apple dành cho việc phô diễn sức mạnh đồ họa trên hai chiếc điện thoại thế hệ mới này với khả năng cho phép người dùng giải trí với những trò chơi có đồ họa bắt mắt và khả năng vận hành mượt mà. Để có thể đem lại khả năng đồ họa ấn tượng như vậy, Apple đã tích hợp các vi xử lý đồ họa vào bên trong bộ SoC A8. Mặc dù như thường lệ, Apple lại kín tiếng về thông tin của chip xử lý đồ họa này nhưng theo các nguồn tin cho biết thì có khả năng dòng chip xử lý đồ họa này là PowerVR GX6650. Nó được trang bị 6 USC dựa trên kiến trúc Rogue của PowerVR với 192 nhân. Ngoài việc là một trong những vi xử lý đồ họa "trâu bò" nhất trên thị trường di động hiện nay, PowerVR GX6650 còn là một trong những GPU tiết kiệm điện nhất. Ngoài ra, theo như Apple công bố thì khả năng xử lý đồ họa của con chip này cho hiệu năng gấp 84 lần so với iPhone thế hệ đầu tiên.
So với iPhone 5s, GPU của chiếc điện thoại này là thế hệ PowerVR G6430 có thể cho năng lực xử lý ở mức 153.6 / 230.4 với xung nhịp 600 MHz còn với iPhone 6, chip đồ họa PowerVR GX6650 có thể đạt năng lực xử lý 250/500 với xung nhịp 650 MHz, qua đó có thể thấy iPhone 6 có khả năng xử lý đồ hoạt tốt hơn nhiều so với phiên bản tiền nhiệm. Khi đi kèm với Metal, công nghệ mới cho phép CPU và GPU trên SoC A8 có thể làm việc tốt hơn với nhau và cho ra các hình ảnh đồ họa thời gian thực tốt hơn, gamers có lẽ sẽ không phải thất vọng với hiệu năng đồ họa trên dòng iPhone mới này.
Apple A8 và M8: Chip xử lý chuyển động
iPhone 5s là thế hệ iPhone được trang bị bộ vi xử lý có khả năng hỗ trợ CPU chính trong việc thu thập các dữ liệu chuyển động - chip M7. Bộ vi xử lý này thu thập các thông tin từ các cảm biến được tích hợp như gyroscope, cảm biến gia tốc, la bàn.. để phục vụ cho nhu cầu xử lý của SoC A7. Thế hệ iPhone 6 và iPhone 6 Plus tiếp tục kế thừa xu hướng này của Apple với việc được trang bị vi xử lý M8 được tích hợp trên SoC A8.
M8 là phiên bản cải tiến của M7 với thế hệ cảm biến áp kế mới ( barometer, phục vụ cho việc theo dõi áp suất không khí ) được trang bị thêm khả năng đếm bước chân, phát hiện thay đổi độ cao và tính toán khoảng cách đã di chuyển. Với việc được hỗ trợ công nghệ Metal, chip M7 có thể được sử dụng bởi cả CPU và GPU trong quá trình chơi game để có thể phát hiện chuyển động.
Các tính năng trên M8 hầu hết được phục vụ cho tính năng HealthKit, một bước đi mới của Apple trong việc tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thông thường, bộ SoC sẽ đảm nhận công việc phục vụ cho HealthKit, tuy nhiên cách làm này sẽ khiến thiết bị ngốn khá nhiều pin nên do vậy, bộ xử lý tiết kiệm điện M8 được ra đời để đảm nhận các tính năng chính.
Apple A8 và camera iSight
Bên cạnh giới thiệu về xử lý đồ họa thì Apple cũng đã giành nhiều thời gian để phô diễn camera iSight thế hệ mới trên iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Bên cạnh phần cứng được cải thiện, Apple cũng tiết lộ rằng camera sẽ được hưởng lợi nhiều từ năng lực xử lý của Soc A8 nhờ vào trình giải mã video mới và chip xử lý tín hiệu hình ảnh được tích hợp trên A8. Nhờ vào việc này, các tín đồ iFan sẽ có thể tận hưởng những tính năng hình ảnh mới như Focus Pixels, khả năng nhận diện khuôn mặt tốt hơn và lấy nét liên tục. Việc liên kết giữa camera iSight và SoC Apple A8 cũng sẽ cho hình ảnh ít noise hơn, tự nhiên hơn và nâng cao chất lượng tổng thể của bức hình. Chệ độ quay phim slow motion mới với khả năng ghi hình lên đến 240 khung hình trên giây có lẽ là minh chứng tốt nhất cho mối liên kết này.
Apple A8 và thời lượng pin
Sau tất cả thì thời lượng pin có lẽ là điểm đáng quan tâm nhất trên bất cứ smartphone nào và là vấn đề tối quan trọng đối với người dùng. Mặc dù được tối ưu rất nhiều giữa phần cứng và phần mềm, tuy nhiên chiếc iPhone 5S với viên pin 1570 mAh thực sự chưa phải là một đối thủ quá sừng sỏ trong cuộc chiến về thời lượng pin. Chúng ta vẫn chưa biết thời lượng pin thực tế của iPhone 6 và iPhone 6 Plus là như thế nào nhưng theo như những thông tin Apple cung cấp thì có lẽ thời lượng trên iPhone 6 cũng không quá tệ.
Trong suốt bài viết từ trên xuống dưới, hẳn độc giả cũng nhận ra rằng cụm từ "tiết kiệm pin" được sử dụng khá nhiều lần. Từ việc SoC được sản xuất trên chu trình 20nm, GPU hiệu năng cao và tiết kiệm pin hơn và cuối cùng là chip M8 ít ngốn pin, có vẻ công ty có trụ sở Cupertino đã quyết định nhúng chân vào cuộc chiến về thời lượng pin.
iPhone 6 đã được Apple cho đặt hàng bắt đầu từ 12/9 và sẽ bắt đầu tiến hành vận chuyển đến người dùng vào 19/9 này. Khi thiết bị đến tay người dùng, chúng ta sẽ có được những thông tin thực tế hữu ích hơn về hiệu suất iPhone 6 cũng như thời lượng pin thực tế của thiết bị này thay vì những con số trên lý thuyết. Hy vọng rằng, iPhone 6 và iPhone 6 Plus sẽ không làm người dùng thất vọng bởi suy cho cùng, thiết kế của dòng sản phẩm này đã phần nào làm người dùng không được ưng ý như mong đợi.