Đánh giá Samsung Galaxy S22 Ultra: chiếc “Galaxy S” thỏa lòng fan Note
Trước khi có điện thoại gập, Samsung luôn duy trì 2 dòng điện thoại cao cấp: Galaxy Note và Galaxy S, một dòng ra đầu năm và một dòng ra cuối năm. Sự xuất hiện của điện thoại gập buộc hãng này phải cân nhắc chỉ giữ lại dòng S hoặc Note nếu không muốn có quá nhiều dòng điện thoại cao cấp chen lấn nhau.
Sau một năm không ra dòng Note mới, tưởng chừng Samsung đã loại bỏ dòng điện thoại này. Nhưng không, Galaxy Note đã thực sự trở lại sau 2 năm với hình hài và đầy đủ các tính năng đặc trưng, chỉ có điều là dưới cái tên mới là Galaxy S22 Ultra. Việc nhét Note vào chung dòng Galaxy S giúp Samsung có thể giữ lại cả hai dòng sản phẩm này.
Thiết kế: vẫn là chiếc Galaxy Note quen thuộc
Nhìn từ phía trước, khó phân biệt sự khác nhau giữa Galaxy S22 Ultra và Note 20 Utra. Kiểu dáng tổng thể của điện thoại này giống với thế hệ Note tiền nhiệm. Điểm khác biệt chủ yếu nằm ở cụm camera phía mặt lưng. Các camera của S22 Ultra được đặt đơn lẻ ở mặt lưng, không phải ghép chung trong “chiếc bếp từ” như thông thường. Cá nhân mình thấy cách sắp xếp camera như này trông đỡ nặng nề hơn, đặc biệt khi máy có tới 5 “mắt” gồm 4 camera sau và một cảm biến lấy nét laser được đặt trong ống kính như một chiếc camera.
Galaxy S22 Ultra có độ dày và trọng lượng tương tự S21 Ultra, 8.9mm và 228g. Tuy vậy, việc cầm nắm bằng một tay không có vấn đề gì nhờ các cạnh bo tròn, không bị cộm và cấn tay như iPhone 13 Pro với thiết kế cạnh vuông.
Galaxy S22 Ultra (trái) và Galaxy Note 20 Ultra (phải) có phom dáng thiết kế giống nhau.
Chất lượng gia công thực sự tốt. Trên sản phẩm mình trải nghiệm, không thấy có khe hay kẻ hở nào xuất hiện dọc các đường tiếp xúc giữa khung bằng kim loại với mặt lưng hoặc màn hình. Các vật liệu khác nhau có độ co ngót khác nhau. Nếu chất lượng gia công không tốt thì các đường tiếp xúc giữa các vật liệu khác nhau như kính và kim loại trên điện thoại dễ xuất hiện các khe hoặc kẻ hở.
Về chất liệu, cả hai mặt trước và sau của Galaxy S22 Ultra đều là kính cường lực Corning Gorilla Glas Victus+. Khung làm từ nhôm được Samsung gọi là Armor Aluminum. Đây là loại hợp kim được dùng trên các điện thoại gập Fold3 và Flip3 mà theo Samsung quảng cáo là có độ chắc chắn nhất trên điện thoại hiện nay. Bề mặt mặt lưng của S22 Ultra được xử lý nhám nhẹ, hạn chế tình trạng bám dấu vân tay.
Là chiếc Note thực sự nên đương nhiên S22 Ultra cũng có khe cắm bút S Pen. Khe cắm này được thiết kế chống nước từ bên trong giống như các thế hệ Note tiền nhiệm. Bản thân điện thoại này cũng đạt chuẩn IP68, có thể chống nước ngâm ở độ sâu 1,5 mét trong 30 phút.
Galaxy S22 Ultra được giới thiệu có tới 7 màu khác nhau nhưng hiện tại Samsung mới chỉ bán 4 màu ở thị trường Việt Nam gồm màu đen, trắng, xanh và đỏ bóc đô, còn các màu xanh lơ, đỏ tươi và màu xám có lẽ sẽ được ra mắt sau trong thời gian tới.
Màn hình: đỉnh sáng cao, dùng ngoài trời nắng thoải mái
Cả ba máy dòng Galaxy S22 đều dùng màn hình AMOLED và có tần số quét 120Hz, riêng S22+ và Ultra có đỉnh sáng cao 1750 nit. Tuy vậy, chỉ có bản Ultra sử dụng màn hình LTPO cho phép màn hình thay đổi tần số quét dựa theo nội dung, giúp tiết kiệm pin hơn.
Theo Samsung, tần số quét trên bản Ultra có thể điều chỉnh thích ứng tới mức 1Hz nhưng thực tế thì mình thấy tần số quét đạt mức thấp nhất là 24Hz, đó là khi điện thoại ở chế độ nghỉ. Còn lướt web thì tần số quét hoạt động ở 60Hz và một số game hoạt động ở tần số quét tối đa 120Hz.
Về chất lượng tấm nền thì màn hình của S22 Ultra thực sự tuyệt vời. Ở chế độ “sinh động” mặc định, màu sắc hiển thị sống động mà độ bão hòa màu không bị thái quá. Đỉnh sáng của màn hình cao nên có thể sử dụng thoải mái ở ngoài trời, kể cả khi dùng dưới trời nắng gắt. Ngoài đỉnh sáng cao thì độ phản chiếu của tấm kính màn hình thấp cũng góp phần giúp cho việc sử dụng ngoài trời tốt.
Khi so sánh trực diện với iPhone 13 Pro Max ở ngoài trời nắng thì mình thấy màn hình của S22 Ultra sáng hơn và dễ nhìn hơn một chút.
Cảm biến vân tay siêu âm dưới màn hình của S22 Ultra cũng hoạt động mượt mà, tốc độ nhận diện vân tay gần như ngay tức thì và có độ ổn cao, hiếm khi mình phải chạm lại lần hai để mở khóa điện thoại. Ngoài ra, điện thoại này còn có thể mở bằng nhận diện khuôn mặt với tốc độ không hề kém cạnh, chỉ có điều là độ bảo mật sẽ kém hơn vân tay.
Hiệu năng và phần mềm
Samsung vẫn dùng chiến lược tích hợp 2 bộ vi xử lý Exynos nhà trồng (Exynos 2200) và Snapdragon của Qualcomm (Snapdragon 8 Gen 1) trên dòng Galaxy S như các thế hệ trước. Điểm khác là năm nay phiên bản sử dụng Snapdragon 8 Gen 1 được bán ở nhiều thị trường. Thị trường Việt Nam năm nay cũng được chuyển sang phiên bản dùng chip Qualcomm thay vì chip Exynos như các năm trước.
Cả hai vi xử lý Exynos 2200 và Snapdragon 8 Gen 1 đều sản xuất trên tiến trình 4nm, có cấu trúc CPU 1+3+4 tương tự nhau và được tích hợp chip sóng 5G. Mình chưa được trải nghiệm phiên bản Ultra dùng Exynos 2200 nhưng theo dõi trên các trang công nghệ thì thấy bản dùng chip Snapdragon 8 Gen 1 được đánh giá cao hơn.
Trong sử dụng hàng ngày, S22 Ultra mượt như mong đợi trên một chiếc flagship. Việc chuyển đổi giữa các ứng dụng diễn ra nhanh nhẹn, các game nặng đồ họa chơi trơn tru và mọi hiệu ứng đều mượt mà nhờ tần số quét 120Hz. Sau nửa tiếng chơi game Pubg Mobile và Genshin Impact, mình thấy điện thoại có nóng lên nhưng chưa thấy máy giảm hiệu năng để cân bằng nhiệt độ.
Mình thử “stress test” bằng cách chạy liên tục 5 lần Antutu thì thấy điểm hiệu năng ở các lần sau có giảm nhưng mức giảm không nhiều, chỉ khoảng 10-13%. Trước đó, mình cũng làm bài “stress test” tương tự trên Galaxy S21 Ultra dùng Exynos 2100 và iPhone 13 Pro Max thì thấy mức giảm điểm hiệu năng cao hơn, từ 18-22%. Điều này cho thấy bản S22 Ultra dùng Snapdragon 8 Gen 1 có khả năng tản nhiệt khá tốt, hiệu năng không bị bóp nhiều khi tải nặng.
Điểm Antutu sau lần đầu, lần thứ 3 và lần thứ 5 chạy test liên tục.
Về bộ nhớ, có một lưu ý là S22 Ultra không có khe cắm thẻ nhớ giống như S21 Ultra. Vì vậy, nếu bạn chơi nhiều game nặng và hay chụp ảnh/quay video bằng điện thoại thì bản tiêu chuẩn 128Gb có thể sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu lưu trữ. Khi đó, lựa chọn bản 256GB hoặc 512Gb sẽ hợp lý hơn.
Về phần mềm, S22 Ultra hiện cài sẵn bản One UI 4.1 tùy biến dựa trên Android 12. Samsung đã cam kết cập nhật 4 phiên bản Android cho dòng Galaxy S22. Do đó, máy sẽ được nâng cấp lên Android 16. Ngoài ra, cập nhật bảo mật sẽ kéo dài 5 năm. Đây là cam kết cập nhật tốt nhất trong các hãng làm điện thoại Android hiện nay, hơn cả Google.
Bút S Pen
Bút S Pen trên S22 Ultra có kích cỡ và các chức năng tương tự trên Note 20. Samsung cho biết độ trễ của bút S Pen trên S22 Ultra đã giảm tới 70% so với các thế hệ trước. Tuy vậy trong sử dụng thực tế, rất khó để nhận thấy sự khác biệt về độ trễ giữa bút S Pen trên S22 Ultra và trên Note 20 Ultra bởi đơn vị đo độ trễ tính theo đơn vị mili giây vô cùng nhỏ.
Trải nghiệm viết S Pen trên màn hình Ultra S22 mượt mà và có tốc độ nhận diện nhanh. Đây là tính năng tạo khác biệt của dòng Galaxy Note với các sản phẩm khác của chính Samsung và các hãng khác trên thị trường. Nó phù hợp với những người thích viết ghi chú hoặc phác thảo những việc cần làm ngay trên điện thoại bằng bút, tiện hơn nhiều so với dùng bằng bàn phím ảo.
Những người hay vẽ trên điện thoại cũng sẽ thích S Pen vì bút này hỗ trợ nhiều nét vẽ, hoạt động nhạy và linh hoạt. Ngoài ghi chú và vẽ, mình thấy bút S Pen cũng rất tiện lợi khi cần chỉnh sửa ảnh, chụp lấy một vùng trên màn hình hoặc khoanh lại những thông tin quan trọng chẳng hạn.
Camera
Thông số camera của S22 Ultra giống bản tiền nhiệm S21 Ultra gồm camera trước 40MP và cụm 4 camera sau với camera chính 108MP, camera góc siêu rộng 12MP và 2 camera telephoto 10MP, một chiếc zoom ngắn 3X và một chiếc zoom xa 10X. Thay đổi về camera chủ yếu đến từ các thuật toán phần mềm và chip xử lý hình ảnh tích hợp trong vi xử lý Snapdragon 8 Gen 1 hoặc Exynos 2200.
Mình đã dùng S22 Ultra được khoảng hai tuần và đã chụp nhiều bối cảnh song song với chiếc iPhone 13 Pro Max hoặc iPhone 13 Pro. Khi so sánh, cả S2 Ultra và iPhone 13 Pro Max đều có những điểm hơn và thua đối thủ. Với S22 Ultra, mình thấy điện thoại này nhỉnh hơn iPhone 13 Pro ở khả năng chụp đêm, chụp ngược sáng, chụp selfie từ camera trước và vượt trội ở ảnh chụp zoom xa.
Ảnh chụp ở điều kiện ngược sáng từ Galaxy S22 Ultra.
Ảnh chụp từ iPhone 13 Pro cho chất lượng ảnh kém hơn, màu sắc và độ chi tiết lên không rõ bằng S22 Ultra.
Ảnh zoom 10X từ Galaxy S22 Ultra.
Ảnh zoom 10X từ iPhone 13 Pro.
Ảnh chụp camera chính 108MP của Galaxy S22 Ultra.
Ảnh chụp từ camera chính iPhone 13 Pro.
Ảnh selfie từ camera trước của Galaxy S22 Ultra.
Ảnh selfie từ camera trước của iPhone 13 Pro Max.
Với chụp chân dung xóa phông, hai máy đều xóa mờ chủ thể rất tốt nhưng S22 Ultra xử lý màu da tự nhiên hơn, không bị ám đỏ như iPhone 13 Pro Max. Tuy vậy với điều kiện sáng ban ngày thì mình thấy camera chính của S22 Ultra ra ảnh hay bị dư sáng hơn iPhone 13 Pro Max.
Ảnh chụp xóa phông từ camera sau của Galaxy S22 Ultra.
Ảnh selfie xóa phông từ S22 Ultra.
Khi ra mắt S22 Ultra, Samsung cũng chính thức tung ra ứng dụng Expert RAW để chụp ảnh RAW. Bạn có thể tải ứng dụng này trên kho Galaxy Store. Đây là ứng dụng hoạt động độc lập, không được cài sẵn. Expert RAW sẽ chụp nhiều khung hình và ghép lại thành file ảnh định dạng DNG. Với những người thực sự yêu thích ảnh thì đây là ứng dụng thú vị vì nó cung cấp những bức ảnh chứa nhiều thông tin để chỉnh sửa tạo ra những bức ảnh đẹp hơn chụp từ camera thông thường.
Thời lượng pin
S22 Ultra được trang bị viên pin 5.000 mAh có khả năng sạc nhanh 45W, sạc không dây chuẩn Qi/PMA 15W và sạc ngược không dây 4.5W. Hộp máy chỉ có cáp sạc nên bạn cần mua củ sạc 25W hoặc 45W để sạc nhanh cho điện thoại. Về tốc độ sạc, mình đã sạc thử bằng củ sạc 25W thì thời gian sạc đầy pin là 72 phút. Mình chưa test với củ sạc 45W nhưng mình thấy nhiều nơi đã test thì thấy thời gian sạc bằng củ sạc 45W chỉ nhanh hơn khoảng 7-10 phút. Vì vậy, nếu bạn đã có củ sạc 25W thì không nhất thiết phải bỏ thêm tiền để mua về củ sạc 45W.
Thời gian sử dụng pin của S22 Ultra gần tương đồng so với chiếc S21 Ultra mình trải nghiệm năm ngoái. Có thể nói là đủ yên tâm dùng thoải mái trong ngày ở cường độ sử dụng cao. Với hoạt động lướt web và xem phim online, mình thấy máy hao trung bình khoảng 9% pin sau mỗi giờ sử dụng qua mạng Wi-Fi ở độ sáng màn hình khoảng 50%. Khi chơi game nặng đồ họa thì pin hao nhanh hơn, trung bình khoảng 16% mỗi giờ. Ở chế độ chờ, máy tiêu hao pin khá chậm, khoảng 3-4% sau 8 giờ để qua đêm.
Tổng kết
Sau hai năm, những người hâm mộ dòng Note đã có được một bản cập nhật xứng đáng để nâng cấp. Đây là smartphone có màn hình AMOLED hỗ trợ bút cảm ứng S Pen chất lượng đầu bảng hiện nay, hiệu năng mạnh mẽ, dung lượng pin lớn và hệ thống camera đa năng. Thiết kế cũng có độ hoàn thiện tốt. Việc thiếu vắng khe cắm thẻ nhớ và không có củ sạc đi kèm không phải là vấn đề gì bởi đây là xu hướng chung trên các smartphone đầu bảng hiện nay.
Nếu phải chỉ ra điểm mà Samsung cần cải thiện ở S22 Ultra thì theo mình đó là việc hạn chế dư sáng ở những bức ảnh chụp ngoài trời ban ngày. Hy vọng Samsung sẽ cải thiện được vấn đề này thông qua một bản cập nhật phần mềm.
Theo VNReview