Giỏ hàng

Đánh Giá Samsung Galaxy A20S: Chọn Cách Đi Riêng

   Khó có thể đấu lại các thương hiệu đến từ Trung Quốc về cấu hình, có vẻ như Samsung đang muốn thử nghiệm một nước cờ mới trong phân khúc giá rẻ để tăng khả năng cạnh tranh: Tập trung vào những trải nghiệm và nhu cầu cốt lõi.

   Việc Samsung đang rất nỗ lực để thâu tóm cả phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung là điều mà chúng ta có thể thấy rất rõ trong năm nay. Chỉ nửa năm sau khi ra mắt thế hệ Galaxy A 2019, Samsung đã tiếp tục "bắn phá" thị trường với các phiên bản nâng cấp có thêm hậu tố "s", gồm Galaxy A20s, A30s, A50s và A70s. Là sản phẩm giá rẻ nhất của dòng Galaxy A ở thời điểm hiện tại, Galaxy A20s là quân bài chiến lược để Samsung chinh phục phân khúc phổ thông.

   Có giá bán chính hãng 4,39 triệu đồng cho phiên bản 3GB RAM/32GB bộ nhớ trong, những đối thủ chính cạnh tranh với A20s có thể kể đến Redmi Note 7/8, Vivo Y17 hay Realme 5. "Đọ" cấu hình với các thương hiệu đến từ Trung Quốc không bao giờ là ý kiến hay, vậy Samsung sẽ làm thế nào để Galaxy A20s trở nên hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng?

Thiết kế bóng bẩy hơn, hiện đại hơn

   Chỉ một năm về trước thôi, những tưởng Samsung sẽ là một trong số những hãng hiếm hoi quyết tâm không đi theo trào lưu thiết kế khuyết màn hình, nhưng sự thay đổi về chiến lược kinh doanh của hãng từ đầu năm 2019 cũng đã khiến mọi thứ thay đổi theo. Bên cạnh một số cái tên đặc biệt như Galaxy Fold hay Galaxy A80, mọi smartphone trong năm nay của Samsung đều có màn hình khuyết chữ V hoặc chữ U, và Galaxy A20s cũng không phải ngoại lệ.

   Do đó, có thể dùng từ "quen thuộc" để mô tả thiết kế mặt trước của Galaxy A20s. Cạnh trên màn hình là khuyết hình chữ V, nơi chứa camera selfie, cảm biến và loa thoại. Ngoại trừ cạnh dưới dày do giới hạn của công nghệ, ba cạnh còn lại của Galaxy A20s mỏng đều cho trải nghiệm thoáng đãng, rộng rãi. Tuy nhiên, phần cạnh viền của Galaxy A20s nhô cao hơn so với màn hình – một điểm yếu mà chúng ta đã từng thấy trên các máy Realme và Redmi giá rẻ - khiến cảm giác vuốt cạnh bị ảnh hưởng ít nhiều.

   Sở hữu kích thước màn hình 6.5 inch, nặng 183g và dày 8mm, Galaxy A20s không dành cho những ai đang tìm kiếm một chiếc smartphone mỏng nhẹ. Bù lại, cảm giác cầm nắm của máy rất đầm tay và chắc chắn, tỷ lệ màn hình dài 20:9 cộng với viền mỏng cũng giúp cầm và thao tác bằng một tay dễ dàng hơn.

   Những sự thay đổi lớn về thiết kế của Galaxy A20s xuất hiện ở mặt lưng, khi Samsung đã tinh chỉnh chất liệu nhựa giả kính 3D Glasstic để hiệu ứng chuyển màu gradient xuất hiện nhiều hơn, dễ nhận thấy hơn, tạo cảm giác bóng bẩy và bắt mắt. Máy có 4 phiên bản màu đen, xanh biển, xanh lục và đỏ, nhưng tôi vẫn ấn tượng với màu đỏ nhất.

   Cụm camera chính cũng là một sự nâng cấp đáng chú ý của Galaxy A20s, khi Samsung đã bổ sung thêm một camera đo cảm biến chiều sâu hỗ trợ chụp xóa phông, nâng tổng số camera sau của máy lên con số 3, vừa phù hợp với xu thế thị trường vừa tăng tính cạnh tranh.

   Ở cạnh dưới, Galaxy A20s vẫn được giữ lại jack tai nghe 3.5mm, một điều đáng mừng. Kỷ nguyên của jack tai nghe 3.5mm đang dần đi đến hồi kết trước sự phổ biến của tai nghe true wireless, và chúng ta nên trân trọng những ngày tháng cuối cùng ấy. Bên cạnh đó vẫn là cổng kết nối USB Type-C và dải loa đơn quen thuộc.

   Khay hai sim nano và thẻ nhớ microSD rời vẫn luôn là điểm cộng của các dòng máy Samsung. Bạn không phải lựa chọn giữa việc dùng sim hay thẻ nhớ, và dung lượng hỗ trợ tối đa 1TB cho phép người dùng cân nhắc lựa chọn phiên bản giá rẻ bộ nhớ trong thấp hơn để tiết kiệm chi phí.

   Nhìn chung, Samsung đã có những sự thay đổi đáng kể về thiết kế với Galaxy  A20s. Bóng bẩy hơn và hiện đại hơn, đó là hướng đi đúng đắn để từng bước chinh phục người dùng.

Không dùng tấm nền Super AMOLED có phải vấn đề lớn?

   Trong số những chiếc smartphone mới của Samsung, duy nhất chỉ có A20s là không còn dùng tấm nền Super AMOLED quen thuộc, thay vào đó là tấm nền IPS LCD. Điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ không có tính năng Always-on Display, không được tận hưởng màu đen sâu đặc trưng của tấm nền này. Nhưng liệu đó có phải vấn đề lớn?

   Về thông số, Galaxy A20s có màn hình kích thước 6.5 inch độ phân giải HD+ (720 x 1560 pixel), mật độ điểm ảnh 264ppi. Độ phân giải HD+ khó có thể nói là lý tưởng cho màn hình lớn của A20s, tuy nhiên khi sử dụng thực tế thì độ chi tiết và sắc nét vẫn hoàn toàn trong mức chấp nhận được.

   Ban đầu, tôi có tỏ ra hoài nghi về chất lượng hiển thị, đặc biệt là màu sắc của Galaxy A20s, vì dù sao tấm nền Super AMOLED vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Thế nhưng, tấm nền IPS LCD của Galaxy A20s đã không gây thất vọng. Màu sắc được thể hiện tươi tắn, góc nhìn rộng, màu đen tất nhiên không sâu bằng Super AMOLED nhưng hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thường ngày, từ lướt web đến xem phim.

Hiệu năng đủ dùng cho các tác vụ cơ bản

   Không dùng hàng "cây nhà lá vườn" Exynos, Galaxy A20s được trang bị con chip Snapdragon 450, 3GB RAM và 32GB bộ nhớ trong. So với những đối thủ cùng tầm giá đến từ Trung Quốc, rõ ràng cấu hình không phải là điểm mạnh của A20s. Tuy nhiên, điều quan trọng là chiếc điện thoại của Samsung sẽ thể hiện như thế nào trong quá trình sử dụng thực tế.

   Để đánh giá hiệu năng của Galaxy A20s, VnReview tiếp tục tin dùng bộ ba ứng dụng benchmark là AnTuTu Benchmark, GeekBench 5 và GFX Bench. Cần lưu ý rằng phiên bản GeekBench 5 đã thay đổi cách tính điểm, cơ sở dữ liệu của VnReview sẽ dần được cập nhật trong thời gian tới.

   Đo hiệu năng khi chơi game, VnReview lựa chọn ba tựa game quen thuộc là Dead Trigger 2, Liên Quân Mobile và PUBG Mobile, với cấu hình do trò chơi tự động thiết lập.

Trong Dead Trigger 2, Galaxy A20s gặp khó trong những cảnh cháy nổ hoặc có quá đông zombie xung quanh. Ở thiết lập đồ họa cao, máy chỉ đạt fps trung bình là 51, độ ổn định khung hình 75%

Con chip Snapdragon 450 không đủ mạnh để mở khóa chế độ fps cao trong Liên Quân Mobile. Ở thiết lập đồ họa tự động, máy chơi mượt ở mức 30 fps, độ ổn định khung hình 91%

Tương tự Dead Trigger 2, những cảnh cháy nổ vẫn là trở ngại lớn đối với Galaxy A20s trong PUBG Mobile. Fps trung bình của máy là 28, độ ổn định khung hình 75%

   Kết quả thu được phản ánh đúng sức mạnh của con chip Snapdragon 450. Trong sử dụng thực tế, A20s đáp ứng tốt các tác vụ cơ bản hàng ngày như lướt web, xem Youtube và chơi game nhẹ nhàng. Đó có lẽ cũng là những điều mà người dùng mong đợi ở những chiếc smartphone giá rẻ.

   Về phần mềm, Galaxy A20s được cài đặt sẵn Android 9 Pie, giao diện One UI 1.1 thay vì 1.5 như các flagship mới của Samsung. Chúng ta vẫn có chế độ tối toàn hệ thống, tuy không giúp tiết kiệm năng lượng như các smartphone màn hình Super AMOLED nhưng vẫn sẽ giảm căng thẳng cho mắt trong điều kiện sử dụng thiếu sáng. Các tùy chọn, biểu tượng của One UI cũng được Samsung tối ưu cho việc sử dụng bằng một tay.

Thời lượng pin khá là một lợi thế

   Galaxy A20s được trang bị viên pin 4.000 mAh, mức dung lượng gần như đã trở thành "tiêu chuẩn" cho smartphone ngày nay. Trong các bài đo quen thuộc của VnReview, máy có thời lượng pin tốt dù không có màn hình Super AMOLED, một phần nhờ độ phân giải màn hình chỉ là HD+. Sử dụng hàng ngày với các tác vụ cơ bản như lướt web, xem Youtube và chơi game nhẹ, tôi có thể dùng A20s tới hơn 1,5 ngày mới phải sạc pin.

Thời gian lướt web liên tục từ pin đầy đến 10%, độ sáng cố định 70%

Thời gian chơi game liên tục từ pin đầy đến 10%, độ sáng cố định 70%

Thời gian xem phim liên tục bằng MX Player từ lúc pin đầy đến 10%, độ sáng cố định 70%

   Hỗ trợ sạc nhanh là một lợi thế của A20s so với đàn anh A20. Máy được tặng kèm cục sạc nhanh Adaptive Fast Charging 15W của Samsung, sạc đầy viên pin từ 10% mất khoảng 2 tiếng.

Chất lượng camera tương xứng với mức giá

   Như đã đề cập ở phần đầu bài, một trong những sự nâng cấp đáng chú ý nhất trên Galaxy A20s chính là việc Samsung đã bổ sung thêm camera đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ chụp xóa phông. Tổng cộng, Galaxy A20s có ba camera sau gồm camera chính 13MP, khẩu f/1.8; camera góc siêu rộng 8MP, khẩu f/2.2 và camera đo độ sâu trường ảnh 5MP, khẩu f/2.2. Phía trước là camera selfie đơn 8MP, khẩu f/2.0.

Giao diện camera của Galaxy A20s không có nhiều sự thay đổi, ngoại trừ không có chế độ chụp đêm Night Mode

   Nhờ sự phát triển của nhiếp ảnh số trên di động, ngay cả những máy giá rẻ cũng có thể chụp "ngon" trong điều kiện ánh sáng thuận lợi, và tất nhiên Galaxy A20s không phải ngoại lệ. Máy cân bằng sáng tốt, thu được nhiều chi tiết, màu sắc thể hiện tươi tắn.

Một ví dụ điển hình về việc lấy nét sai trong điều kiện thiếu sáng của A20s

   Chụp ảnh trong điều kiện ngược sáng, thiếu sáng luôn là một chướng ngại vật lớn mà ngay cả các máy tầm trung-cận cao cấp cũng khó có thể vượt qua, chứ chưa nói đến các máy giá rẻ như Galaxy A20s. Đúng như dự đoán, cân bằng sáng cho chủ thể trong điều kiện chụp ngược sáng là một tác vụ quá khó với Galaxy A20s, và độ chi tiết của ảnh bị giảm đáng kể khi chụp thiếu sáng, chưa kể đến tình trạng máy lấy nét sai. Không có chế độ chụp đêm Night Mode để cải thiện dải sáng và độ chi tiết cũng là những sự thiếu vắng đáng kể trên chiếc máy này.

A20s có một tùy chỉnh mang tên "sắc độ da", nhưng chỉ đẩy lên 1 nấc so với mặc định cũng khiến ảnh trở nên kém tự nhiên

   Được bổ sung camera đo độ sâu trường ảnh nên chất lượng ảnh xóa phông của Galaxy A20s đã được cải thiện đáng kể. Trong điều kiện đủ sáng màu sắc được tái hiện tốt, phông xóa mịn, ít bị lẹm vào chủ thể, nhưng giống như camera chính thì độ chi tiết ảnh bị giảm đáng kể khi chụp thiếu sáng, tuy nhiên máy vẫn nhận diện được chủ thể và hạn chế phần nào tình trạng xóa phông nhầm.

   Camera góc rộng đang ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường, và có thể nói Samsung là một trong những cái tên đi đầu trong việc lan tỏa trào lưu ấy. Nó cho phép người dùng sáng tạo với những góc chụp mới, tuy nhiên có lẽ chúng ta vẫn chỉ nên sử dụng trong điều kiện đủ sáng.

   Không có nhiều thông tin về camera selfie của A20s, nhưng với việc có cùng độ phân giải 8MP và khẩu f/2.0, nhiều khả năng đây vẫn là camera của đàn anh A20 được Samsung đưa sang. Khi đủ sáng, ảnh có độ chi tiết tốt, màu sắc tươi tắn, nhưng dường như được áp dụng làm đẹp tự động, dễ thấy nhất là ở làn da bị làm mịn có phần thái quá.

   Nhận xét về camera của Galaxy A20s, chất lượng của chúng có thể nói là tương xứng với mức giá, thực sự khó có thể đòi hỏi nhiều hơn.

Tổng kết: Một nước cờ táo bạo

   Với Galaxy A20s, Samsung đang thử nghiệm một nước cờ mới. Không chạy đua cấu hình, A20s nâng cấp thiết kế hiện đại hơn, trong khi vẫn đảm bảo những nhu cầu cốt lõi về hiệu năng và trải nghiệm giải trí. Nói cách khác, Samsung đang chọn triết lý "tốt sơn hơn tốt gỗ". Biết đâu được, đây lại là cách để Galaxy A20s chinh phục những đối tượng người dùng trẻ, những người coi trọng ấn tượng đầu tiên hơn bất kỳ điều gì khác?

Theo: vnreview.vn

Facebook Youtube Top