Đánh giá realme C33: Bóng bảy và bền bỉ
Nằm ở phân khúc giá rẻ, chiếc smartphone mới nhất của “nhà” realme cũng được ưu ái trang bị các cấu hình nổi bật như pin lớn và camera độ phân giải tới 50 “chấm”.
Mặc dù cũng đang muốn chinh phục các phân khúc smartphone cao cấp hơn với dòng GT, realme vẫn không quên phân khúc giá rẻ đã làm nên tên tuổi của mình. Sản phẩm mới nhất của hãng là realme C33 đem tới những gì đặc biệt trong phân khúc 3.5 triệu Đồng?
2 thế mạnh đáng để tâm: Vẻ ngoài bóng bảy và pin bền bỉ
Điểm gây ấn tượng nhất của realme C33 ngay từ khi lấy nó ra khỏi hộp là sự bóng bẩy. Mặt lưng của máy được phủ một lớp kim tuyến, phát sáng khi đưa ra trời nắng. Máy có 3 phiên bản gồm Xanh biển mà ta có ở đây, màu Vàng kim khá giống với màu rượu Champagne và Đen tuyền, tất cả đều nổi bật theo một cách riêng.
Cụm camera của máy cũng góp một phần vào thiết kế gây ấn tượng mạnh của máy, khi được làm khá lớn và đặt thẳng lên mặt lưng - phong cách thiết kế mà một số dòng máy Android cao cấp như Samsung Galaxy S22 Ultra đang dùng.
Máy cũng khá mỏng và nhẹ, với 2 thông số chính xác là 8.3mm và 187g. Mỗi khi cầm realme C33 tôi có cảm giác đang “nắm” máy một cách rất chắc chắn, không sợ bị tuột tay rơi.
Các cạnh bên được làm đồng màu với mặt lưng, theo thiết kế phẳng chứ không còn bo cong như các sản phẩm trước đây của hãng nữa. Giống với cụm camera, đây cũng là một yếu tố thiết kế được “mượn” từ các sản phẩm flagship hiện nay, cho cảm giác mạnh mẽ và hiện đại.
“Bóng bảy” bên ngoài, realme C33 còn một điểm mạnh nữa là rất “Bền bỉ” trong quá trình sử dụng. Máy được trang bị một viên pin lớn tới 5000 mAh, không phải là lớn nhất hiện nay nhưng cũng khá ấn tượng so với độ mỏng của máy.
Đối với những ngày đi làm, sử dụng máy với các tác vụ cơ bản như nhắn tin, gọi điện, đôi lúc lướt TikTok và xem Youtube thì cuối ngày realme C33 vẫn luôn còn tới 55 - 60% và sẵn sàng cho cả ngày sử dụng thứ 2. Còn những ngày giải trí nặng hơn với game, xem Livestream liên tục thì máy sẽ sử dụng tốt trong vòng một ngày, tới buổi tối cần sạc lại để cho ngày hôm sau.
Giá rẻ nhưng có camera tới 50MP?
Cuộc đua về độ phân giải camera vẫn chưa đến hồi kết. Trong khi ở phân khúc cao cấp các hãng bắt đầu thử nghiệm với camera độ phân giải 200MP, realme C33 nằm ở tầm giá ngược lại được ưu ái trang bị độ phân giải 50MP, cao hơn khá nhiều so với mức 8 hay 13MP thường thấy. Nhưng có lẽ đến giờ ai cũng nhận ra rằng độ phân giải không quyết định hoàn toàn chất lượng hình ảnh, mà nằm hoàn toàn vào cách mỗi smartphone xử lý hậu kỳ.
Ảnh chụp thực tế ở chế độ mặc định của realme C33 ở mức “ổn”, nếu có đủ ánh sáng thì sẽ cho màu sắc đậm đà, ngược lại thì độ chi tiết là không quá cao nên nếu zoom lớn một chút thì sẽ thấy hiện tượng vỡ nét. Máy thường cân bằng ánh sáng về hướng tối, ưu tiên việc không để các vùng sáng bị “cháy” nhưng sẽ để 1 số mảng tối bị chìm mất.
Chế độ chụp 50MP sẽ cần được truy cập bằng một chế độ riêng, và sẽ chụp ảnh với dung lượng cao hơn khoảng 4 lần so với khi chụp thông thường. “Săm soi” thật kỹ ảnh 50MP, ta thấy chi tiết trên bình nước Sơn Hà trên nóc một tòa nhà thật xa chỗ chụp “mượt” hơn một chút, không bị vỡ ra thành từng hạt pixel nữa.
Những cấu hình “giới hạn bởi tầm giá”, một điểm yếu lớn hơn
Một chiếc smartphone để có giá bán chỉ 3.5 triệu, thì ta sẽ không thể đòi hỏi được cấu hình cao cấp, hay thậm chí là tầm trung hiện nay. Realme C33 tất nhiên không phải là ngoại lệ, bên cạnh những điểm nổi bật đề cập phía trên thì màn hình, cấu hình phần cứng bên trong, loa ngoài của máy đều dừng lại ở mức “ổn”.
Màn hình của C33 có kích thước 6.5 inch dạng LCD với tần số quét tiêu chuẩn 60Hz và độ phân giải chỉ 720 x 1600 hay mọi người gọi là HD+. Màn hình này hơi ngả vàng nhẹ, nếu nhìn gần sẽ bị rỗ kèm độ sáng không cao nên sẽ chỉ nên sử dụng trong nhà, mang ra ngoài trời nắng mạnh sẽ không nhìn thấy gì cả.
Máy sử dụng một vi xử lý tên là Unisoc Tiger T612, cho điểm đánh giá hiệu năng khá thấp và cũng ảnh hưởng đến cả trải nghiệm giao diện thông thường luôn. Mặc dù giao diện realme UI S trên nền Android 12 cũng không quá màu mè, nhưng tất cả những chuyển cảnh, mở ứng dụng, kéo thanh trạng thái luôn chậm một nhịp. Với cấu hình này, realme C33 đáp ứng đủ nhu cầu nghe gọi, lướt web, xem phim, giải trí với game arcade đơn giản, không nên mong chờ việc máy có thể “gánh” được các game nặng.
Loa ngoài chắc không nói bạn cũng sẽ biết chỉ là loa đơn, không sử dụng loa thoại để tạo thành hệ thống loa kép. Ưu điểm của loa trên realme C33 nằm ở việc được đặt ở cạnh phải bên dưới, nên nếu cầm máy theo chiều ngang thì lòng bàn tay sẽ không chặn mất tiếng, cùng với đó là âm thanh đủ rõ ràng, bật âm lượng lớn cũng không bị rè, chói tai.
Cá nhân tôi cho rằng điểm yếu lớn nhất của chiếc máy này nằm ở việc máy vẫn sử dụng cổng sạc micro USB thay vì chuyển tới sử dụng USB Type-C. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng “Đây là máy giá rẻ, nên hãng muốn tiết kiệm chi phí” nhưng điều đó là sai. Trong tầm giá 3.5 triệu Đồng ta tìm thấy rất nhiều các dòng máy khác đã chuyển qua cổng cắm mới thay cho micro USB.
Việc sử dụng cổng cắm cũ khiến việc đồng bộ hóa dây sạc giữa các thiết bị trở nên phức tạp hơn, nghĩa là muốn sạc tất cả các sản phẩm công nghệ bạn sẽ cần phải đem theo nhiều loại dây thay vì dùng chung được. Mong rằng thời gian tới realme sẽ để ý đến vấn đề này, hãy để micro USB được “yên nghỉ” và sử dụng Type-C cho tất cả mọi thứ!
Máy dành cho ai?
Cũng như các dòng máy giá rẻ khác, realme C33 sẽ không dành cho những bạn thích chơi game nặng, cần chụp ảnh đẹp “lung linh” hay đơn giản là muốn có trải nghiệm mượt mà nhất. Nó sẽ hướng nhiều hơn tới những bạn sinh viên không quá dư dả, hay các bác trung niên sử dụng vào các mục đích cơ bản mà thôi.
Trong tầm giá này còn có những lựa chọn khác không? Với khoảng 3.5 triệu Đồng trong tay, bạn cũng có thể tham khảo thêm Redmi 10C (sở hữu Snapdragon 680 mạnh hơn, sạc 18W, cũng có camera 50MP nhưng thiết kế đơn giản hơn) hoặc Samsung Galaxy A04 (chip MediaTek Helio P35, cũng với pin lớn 5000mAH và camera chính 50MP).