Giỏ hàng

Đánh giá hiệu năng Xiaomi Redmi Note 10S: Liệu Helio G95 có khiến chúng ta bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa?

Thú thật trước giờ mình không phải fan của những con chip đến từ MediaTek nhưng điều này đã thay đổi cho đến khi mình cầm trên tay và trải nghiệm chơi game, test hiệu năng các thứ trên Xiaomi Redmi Note 10S và mình đã thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. Con chip Helio G95 của chiếc smartphone này có hiệu năng tốt đến mức nào? Mời các bạn cùng xem bài đánh giá hiệu năng Xiaomi Redmi Note 10S bên dưới.

Thông số cấu hình của Xiaomi Redmi Note 10S

   Nếu như bộ đôi Redmi Note 10Redmi Note 10 Pro là những sự lựa chọn tuyệt vời trong phân khúc tầm trung với nhiều trang bị cao cấp thì Redmi Note 10S lại có phần bình dân hơn một chút. Các bạn có thể xem qua thông số của máy ở bên dưới:

  • CPU: MediaTek Helio G95 (được xây dựng dựa trên tiến trình 12 nm và bao gồm 8 nhân).
  • GPU: Mali-G76 MC4.
  • RAM: Bản mình đang dùng là 8 GB RAM.
  • Bộ nhớ trong: Bản mình đang dùng là 128 GB RAM.
  • Hệ điều hành: MIUI 12.5.5 (dựa trên Android 11).

Liệu con chip Helio G95 trên Redmi Note 10S (bên trái) có ngang ngửa với Snappdragon 732G trên Redmi Note 10 Pro (bên phải) hay không?

   Liệu con chip Helio G95 trên Redmi Note 10S (bên trái) có ngang ngửa với Snappdragon 732G trên Redmi Note 10 Pro (bên phải) hay không?

   Cho những bạn nào chưa biết, Helio G95 là con chip có hiệu suất cao được MediaTek ra mắt vào tháng 9/2020 nhằm cạnh tranh trực tiếp với Snapdragon 732G của Qualcomm (con chip này cũng được trang bị trên Redmi Note 10 Pro). Tuy nhiên, liệu Redmi Note 10S liệu có hiệu năng ngang ngửa với bản Pro? Cùng theo dõi phần tiếp theo của bài viết để rõ hơn nha các bạn.

Helio G95 là một con chip có hiệu suất cao (chuyên cho việc chơi game) được MediaTek ra mắt vào tháng 9/2020.

Helio G95 là một con chip có hiệu suất cao (chuyên cho việc chơi game) được MediaTek ra mắt vào tháng 9/2020.

Chấm điểm hiệu năng của Xiaomi Redmi Note 10S

   Điều đầu tiên mà mình làm để test hiệu năng của một chiếc smartphone luôn là chấm điểm bằng phần mềm, không ngoại lệ với Redmi Note 10S. Mình sẽ sử dụng những bài test như GeekBench 5 (đơn nhân/đa nhân), GeekBench 5 Compute (chấm điểm đồ họa GPU) và PCMark (Work 3.0 performance) để xem hiệu năng của máy ra sao. Trước khi chia sẻ kết quả thì mình xin phép điểm qua những điều kiện để mình chấm điểm hiệu năng, cụ thể như sau:

  • Pin phải từ 90 - 100%
  • Không được cắm sạc trong quá trình chấm điểm.
  • Chấm 3 lần và lấy kết quả trung bình của 3 lần chấm liên tục.

Sau đây là kết quả mà mình thu được:

Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test GeekBench 5 (đơn nhân/đa nhân).

Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test GeekBench 5 (đơn nhân/đa nhân).

  • GeekBench 5 (đơn nhân/đa nhân): 508/ 1.504 điểm.

Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test GeekBench 5 Compute.

   Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test GeekBench 5 Compute (chấm điểm đồ họa GPU).

  • GeekBench 5 Compute (chấm điểm đồ họa GPU): 2.187 điểm.

Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test PCMark (Work 3.0 performance).

   Điểm hiệu năng của Redmi Note 10S trong bài test PCMark (Work 3.0 performance).

  • PCMark (Work 3.0 performance): 8.443 điểm.

   Như vậy, con chip Helio G95 trên Redmi Note 10S mang lại những điểm số tương đối ấn tượng đấy chứ. Ở bài test Work 3.0 Performance trong PCMark, Redmi Note 10S có số điểm gần như bằng với Redmi Note 10 Pro (cụ thể là 8.443 điểm so với 8.704).

   Tuy nhiên, khá đáng tiếc là mình không thể so sánh kết quả hai bài test trong GeekBench 5 giữa bộ đôi smartphone này, lý do thì mình đã từng đề cập trong bài đánh giá chi tiết Redmi Note 10 Pro rồi. Cụ thể là mình không thể sử dụng phần mềm GeekBench 5 để chấm điểm, chấm gần xong là máy tự động thoát ra ngoài màn hình chính (như ảnh GIF bên dưới).

Dù dùng mạng Wi-Fi (bên trái) hay mạng 4G (bên phải) thì mình đều không thể chấm điểm hiệu năng của Redmi Note 10 Pro bằng GeekBench 5.

   Dù dùng mạng Wi-Fi (bên trái) hay mạng 4G (bên phải) thì mình đều không thể chấm điểm hiệu năng của Redmi Note 10 Pro bằng GeekBench 5.

Redmi Note 10S có chiến game được ngon lành hay không?

   Thôi chúng ta cùng chuyển sang phần trải nghiệm chơi game trên Redmi Note 10S luôn chứ nhỉ? Như mọi khi thì mình lại tải 4 tựa game đầy quen thuộc là Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, Call of Duty Mobile và Zing Speed Mobile về máy để test. Bên cạnh đó, mình cũng sử dụng phần mềm Perfdog để đo FPS của từng tựa game và những dữ liệu mình thu được thì mình để tại đây cho các bạn xem nha.

  • Liên Quân Mobile

Trải nghiệm game Liên Quân Mobile trên Redmi Note 10 Pro.

Trải nghiệm game Liên Quân Mobile trên Redmi Note 10S.

   Đầu tiên là Liên Quân Mobile, Redmi Note 10S của mình hoàn toàn xử đẹp được tựa game này mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Cầm em Redmi Note 10S này đi leo rank phải gọi là 'số dzách' luôn các bạn ạ, mọi thao tác điều khiển trong game, combat tổng giữa hai team đều được máy xử lý trơn tru, tốc độ khung hình luôn được giữ ổn định ở 60 FPS và không gặp phải hiện tượng giật lag nào (ngoại trừ trường hợp kết nối mạng bị yếu).

Thiết lập đồ họa trong Liên Quân Mobile mà...

Thiết lập đồ họa trong Liên Quân Mobile mà...

... Redmi Note 10S có thể chỉnh được.

... Redmi Note 10S có thể chỉnh được.

   Để có được trải nghiệm như vậy thì cũng do Redmi Note 10S có thể bật được FPS Cao trong thiết lập đồ họa của game. À, tiện nói về thiết lập đồ họa trong Liên Quân Mobile, mình khá bất ngờ khi bộ vi xử lý Helio G95 lại cho phép Redmi Note 10S chỉnh lên mức cao nhất. Bảo sao chi tiết trong game (từ khung cảnh, từng skin của các tướng, hiệu ứng đổ bóng,...) lại được tái hiện đẹp đến như vậy.

  • PUBG Mobile

Trải nghiệm game PUBG Mobile trên Redmi Note 10 Pro.

Trải nghiệm game PUBG Mobile trên Redmi Note 10S.

   Kế đến, chúng ta cùng chuyển sang một tựa game thuộc thể loại bắn súng sinh tồn là PUBG Mobile. Mặc dù Redmi Note 10S của mình có thiết lập được đồ họa ở mức HDR và tốc độ khung hình ở mức Cực cao. Thế nhưng, để có được trải nghiệm chơi PUBG Mobile ở mức 60 FPS thì mình khuyên các bạn nên giảm đồ họa xuống mức Mượt, từ đó chúng ta sẽ đẩy tốc độ khung hình lên mức Cực độ.

   Để có được trải nghiệm chơi PUBG Mobile trên Redmi Note 10S tốt nhất, mình đã giảm đồ họa từ HDR (bên trái) xuống còn mức Mượt và đẩy tốc độ khung hình lên Cực độ (bên phải).

   Nói là giảm đồ họa vậy thôi chứ mình thấy chi tiết trong game vẫn ổn lắm đó nha, các bạn có thể xem ảnh GIF ở bên trên, quái thú King Kong vẫn được tái tạo lại khá chân thực, cả cú nổ sau khi Kong đập máy bay trực thăng nữa. Mặc dù vậy, trải nghiệm leo rank PUBG Mobile trên Redmi Note 10S thực sự chưa ổn lắm, một số trường hợp chuyển cảnh đột ngột hoặc giao tranh căng thẳng thì máy có bị tình trạng tụt FPS và hơi giật lag một chút.

  • Call of Duty Mobile

Trải nghiệm game Call of Duty Mobile trên Redmi Note 10S.

Trải nghiệm game Call of Duty Mobile trên Redmi Note 10S.

   Tiếp tục là một tựa game bắn súng khác nhưng ở góc nhìn thứ nhất là Call of Duty Mobile. Khá bất ngờ khi Redmi Note 10S lại có thể chiến được mượt mà tựa game này (FPS được duy trì ở con số 60), thậm chí là mượt hơn so với PUBG Mobile ở trên (dù đồ họa của Call of Duty nặng hơn PUBG Mobile).

   Để có được trải nghiệm chơi Call of Duty Mobile trên Redmi Note 10S tốt nhất, mình đã giảm đồ họa từ Rất cao (bên trái) xuống còn mức Cao và đẩy tốc độ khung hình lên Tối đa (bên phải).

   Tiện nói về đồ họa thì thật ra mình có giảm mức độ chi tiết trong game một chút (như các bạn có thể thấy hình thiếp lập đồ họa bên trên, chuyển từ Rất cao xuống thành Cao). Nhờ vào đó mà mình có thể tăng tốc độ khung hình lên thành Rất cao và trong quá trình mình chơi thì máy vẫn duy trì tốc độ khung hình ổn định ở con số 60.

  • Zing Speed Mobile

Trải nghiệm Zing Speed Mobile trên Redmi Note 10S.

Trải nghiệm Zing Speed Mobile trên Redmi Note 10S.

   Chúng ta cùng đổi gió bằng tựa game đua xe tốc độ Zing Speed Mobile thôi nào! Thực sự thì trò chơi này không có đồ họa quá nặng nên mình cũng chẳng bất ngờ lắm khi mà Redmi Note 10S của mình hoàn toàn có thể cân được Zing Speed Mobile một cách ngon lành. Về thiết lập đồ họa trong game, chiếc smartphone đến từ nhà Xiaomi đương nhiên sẽ tùy chỉnh được lên mức cao nhất (như hình bên dưới).

Thiết lập đồ họa trong Zing Speed Mobile mà Redmi Note 10S có thể tùy chỉnh được.

Thiết lập đồ họa trong Zing Speed Mobile mà Redmi Note 10S có thể tùy chỉnh được.

   Bên cạnh đó, nhờ vào việc có thể thiếp lập FPS ở mức Cao nên trải nghiệm chơi Zing Speed Mobile trên Redmi Note 10S rất mượt mà, ổn định với tốc độ khung hình là 60 FPS. Đặc biệt là những pha drift hay phóng nitro thì đều được máy xử lý tốt.

Pin 5.000 mAh của Redmi Note 10S liệu có đủ trâu bò để cày game?

   Vừa rồi là kết thúc của phần trải nghiệm chơi game trên Redmi Note 10S, vậy viên pin 5.000 mAh của máy liệu có đủ để cho chúng ta cày game không nhỉ? Để giải đáp câu hỏi này thì mình đã tiến hành chơi 4 tựa game ở bên trên (mỗi tựa game là 1 tiếng) để xem là Redmi Note 10S sẽ tụt bao nhiêu pin. Đầu tiên thì mình xin phép chia sẻ với các bạn điều kiện của bài test này là như sau:

  • Pin phải từ 80 - 100% (pin mà dưới 80% sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy).
  • Chơi 1 tựa game trong vòng 1 tiếng và tương tự với 3 game còn lại (nếu pin dưới 80% thì phải sạc đầy rồi mới chơi tiếp).
  • Độ sáng màn hình 100%.
  • Cắm tai nghe có dây xuyên suốt và âm lượng 100%.
  • Bật WiFi và các thông báo từ mạng xã hội.
  • Không bật tiết kiệm pin, độ sáng màn hình thích ứng, GPS và Bluetooth.

Liệu pin 5.000 mAh của Redmi Note 10S có đủ để chúng ta cày game?

Liệu pin 5.000 mAh của Redmi Note 10S có đủ để chúng ta cày game?

   Nghe qua thì bài test này có vẻ hơi khắc nghiệt nhỉ? Nhưng mà mình muốn thử thách chiếc Remdi Note 10S một chút. Kết quả mình thu được như sau:

Đo thời gian sử dụng pin khi chơi game trên Redmi Note 10S.

   Đo thời gian sử dụng pin khi chơi game trên Redmi Note 10S

  • Liên Quân Mobile: sau 1 tiếng chơi thì máy tụt 11% pin.
  • PUBG Mobile: sau 1 tiếng chơi thì máy tụt 17% pin.
  • Call of Duty Mobile: sau 1 tiếng chơi thì máy tụt 16% pin.
  • Zing Speed Mobile: sau 1 tiếng chơi thì máy tụt 12% pin.

   Như vậy qua bài test đầy gắt gao ở trên, cá nhân mình thấy pin của Redmi Note 10S tụt nhanh ở những tựa game có đồ họa nặng như Call of Duty Mobile và PUBG Mobile. Còn ở 2 game có đồ họa nhẹ hơn như Liên Quân Mobile hay Zing Speed Mobile thì ngược lại.

   Tất nhiên trong khi sử dụng thực tế thì pin của máy sẽ có thể trụ được lâu hơn như vậy vì mình biết là không có ai rảnh như mình mà bật độ sáng màn hình lên 100% rồi đủ thứ điều kiện trời ơi đất hỡi khác. Tuy nhiên, mình muốn làm bài test đó để cho các bạn thấy được mức độ trâu bò của Redmi Note 10S ra sao. Nếu bạn là người ít chơi game, sử dụng smartphone với các tác vụ cơ bản thì mình tin là Redmi Note 10S dư sức trụ được gần 1 ngày rưỡi.

Pin của Redmi Note 10S hoàn toàn có thể trụ được gần 1 ngày rưỡi nếu bạn dùng máy với các tác vụ nhẹ nhàng.

Pin của Redmi Note 10S hoàn toàn có thể trụ được gần 1 ngày rưỡi nếu bạn dùng máy với các tác vụ nhẹ nhàng.

Tổng kết

   Vừa rồi là những đánh giá của mình về hiệu năng của Xiaomi Redmi Note 10S. Cá nhân mình đánh giá cao con chip Helio G95 và khả năng xử lý game của bộ vi xử lý này không thua kém là bao so với Snapragon 732G được trang bị trên Redmi Note 10 Pro. À, mình còn khá ấn tượng với thời gian sử dụng pin của máy nữa, có lẽ mình sẽ làm một bài đánh giá pin của Redmi Note 10S, các bạn nhớ đón xem nha.

   Vậy bạn có cảm nghĩ gì về hiệu năng của Redmi Note 10S? Nếu có thì bạn hãy bình luận ở bên dưới cho mình biết với nhé, cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của mình.

Facebook Youtube Top